Bẻ mì tôm sống để tồn tại từng ngày với 180.000 đồng/tháng do nhà nước trợ cấp, anh vẫn nghĩ mình đang sống, nhưng với rất nhiều người khác, hình như anh không tồn tại trên cõi đời này.
Cả năm anh không có nổi lấy một bát cơm nếu như không được những người hàng xóm tốt bụng mang cho. Có lẽ vì thế mà khi gặp tôi, anh đã kể: “Mình chỉ mơ được ăn một bữa cơm gia đình, dù chỉ là bát cơm trắng thôi cũng mãn nguyện để về với đất rồi”.
Đó là câu chuyện giữa tôi và người đàn ông tội nghiệp Ngô Trung Sổng ở thôn Thượng, xã Trịnh Xá, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam trong một chiều muộn giữa mùa đông giá rét. Tôi còn nhớ khi ấy về thăm anh, một cảm giác rờn rợn, sợ hãi và nơm nớp điều chẳng lành bởi chứng kiến căn nhà quá ư rách nát mà tưởng tượng chỉ cần một cái hẩy tay nhẹ là đổ tan tành. Ấy vậy nhưng đó lại là tổ ấm, là gia đình, là nơi trú ngụ những đêm sương giá của người đàn ông ấy.
Sống 1 mình, tính mạng của anh Sổng đang bị đe dọa bởi căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
Căn nhà bị hư hại nặng với những phần mối mọt chi chít.
Không thể đi lại được bình thường như mọi người bởi từ nhỏ anh đã bị tê liệt và teo cơ nên việc di chuyển được hoán đổi sang hai tay. Tuy vậy cũng có lúc anh không lê nổi dù chỉ là một mét bởi cánh tay yếu, mỏi nhừ và uể oải. Những lúc ấy, trông anh tội lắm, gương mặt vốn đã khắc khổ lại càng thêm bi lụy bởi sự bất lực vào chính bản thân mình:
“Khi mọi người sinh ra được bình thường sẽ không mấy khi để ý hay trân trọng những gì mình đang có em ạ. Còn với anh, từ nhỏ đã không có cảm giác được đứng trên đôi chân của mình nên lúc nào cũng khao khát, cũng mơ ước dù chú biết sẽ chẳng bao giờ có ngày đó” – anh chậm rãi tâm sự với đôi mắt vẫn ướt nhèm khi nhìn vào đôi chân bé xíu, cong queo không thành hình của mình.
Không thể đi lại được bình thường, anh di chuyển bằng cách lê từng bước bằng tay.
“Mẹ mất từ khi anh mới lên 7, bố đi lấy vợ hai nhưng ông cũng qua đời cách đây gần 30 năm rồi nên hiện tại chỉ còn một mình anh thôi. Cuộc sống giờ phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền 180 ngàn đồng nhà nước cho, anh dùng tiền đó để mua mì tôm ăn hàng ngày”.
Cuộc sống khó khăn, nghèo túng, hàng ngày anh chỉ ăn mì tôm sống để sống qua ngày.
Căn nhà của anh phải được chống xiêu vẹo bởi nó sắp sập.
Chỉ với mấy câu ngắn ngủi kể về cuộc sống của mình nhưng tôi hiểu được tận cùng sự nghèo túng và nỗi đơn độc bấy lâu nay anh Sổng phải chịu đựng. Không có nổi một chiếc cốc uống nước, một chiếc bát, chiếc thìa cũng không, đủ để tôi hình dung ra cách bẻ mì tôm ăn sống qua ngày thay bằng việc phải nấu chín nó.
Không có tiền dùng điện, anh dùng chiếc đèn dầu thắp sáng hàng ngày.
Thỉnh thoảng anh di chuyển bằng chiếc xe lăn mới được cho.
Sự nghèo túng, bần hàn còn lộ rõ ở chiếc giường cũ mọt, 4 chân không thăng bằng với những thanh giường cái còn, cái mất và tuyệt nhiên không có nổi lấy một mảnh chăn cho dù giữa mùa đông lạnh giá. Anh nói ở một mình nên chiếc chiếu nửa nằm, nửa đắp chứ cũng không có tiền để mua chăn.
Thiếu thốn, nghèo nàn thế nhưng trong câu chuyện với tôi anh không một lời xin được giúp đỡ mà chỉ muốn: “Khi nào có thời gian các em về chơi với anh, nấu cho anh một bữa cơm rồi cùng ăn để anh có cảm giác mình có một gia đình được không em?. Anh không dám đòi hỏi gì đâu, được ăn bát cơm trắng là anh mãn nguyện rồi em ạ”.
Những hình ảnh ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng của anh Sổng.
Đến đây thì thật sự đôi chân tôi không còn đứng vững được nữa; Nỗi đắng nghẹn đến xót xa khiến cổ họng tôi cũng như đóng băng không cất thành lời. Người đàn ông đi gần hết cuộc đời dù khát đói trong sự nghèo túng, bần hàn nhưng không phải mơ bát cơm, manh áo mà là cảm giác gia đình ấm áp, yêu thương cho dù chỉ là “một lần, một lần được các em về thăm”.
Câu chuyện chưa dứt thì màn đêm vội vã ập xuống, mang theo cả cái lạnh cắt da, cắt thịt. Trời tối sập, không có cả lấy một chiếc bóng đèn điện, anh loay hoay thắp chiếc đèn dầu bé xíu rồi ngồi thu mình gọn dưới thứ ánh sáng leo lét ấy. Phía sau cả một mảng tường loang lổ, in xiêu vẹo cái thân hình gầy bé, quắt queo của anh trông càng thêm tội.
Hàng ngày anh chỉ trông chờ một bữa cơm gia đình...
Trời lạnh cóng, đêm nay lại một đêm ngủ không có chăn nên anh càng ôm chặt hơn chính mình để mong hơi ấm từ chiếc đèn dầu nhưng cái dáng ngồi ấy... in sâu trong tôi là một sự cô đơn đến héo hắt. Nhớ lời anh hỏi: “Các em về thăm anh rồi cùng ăn một bữa cơm với anh được không?” tôi lại bật khóc. Thương anh quá anh ơi, đêm lạnh rồi sao anh còn ngồi đấy, chiếc đèn sắp cạn dầu rồi ngày mai anh sẽ ra sao dưới màn đêm tăm tối trong căn nhà sắp đổ.
Clip ông Ngô Đức Toàn- trưởng thôn Thượng chia sẻ về hoàn cảnh đáng thương của anh Sổng
Xem thêm Clip và nguồn tại báo Dân Trí: http://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/ai-cho-anh-song-duoc-song--1022639.htm
Không có nhận xét nào:
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.